Mục lục
- 1 Tài chính cá nhân (có thể gọi Tài chính gia đình) rất quan trọng. Phân tích tài chính cá nhân, hiểu nó sẽ giúp cho chúng ta có thể thay đổi, cải thiện để có được tình hình tài chính lành mạnh hơn, tích cực hơn.
- 1.1 Tài chính cá nhân nhìn một cách đơn giản nhất chỉ có:
- 1.2 Các trường hợp có thể gặp phải khi quản lý tài chính cá nhân.
- 1.3 Xác định và mong muốn
- 1.4 Vậy làm sao để vượt qua trường hợp hiện tại để đạt đến những trường hợp tích cực hơn? Rất đơn giản, đó là chỉ tập trung vào hai yếu tố chính, đó là Nguồn thu và Chi phí.
Tài chính cá nhân (có thể gọi Tài chính gia đình) rất quan trọng. Phân tích tài chính cá nhân, hiểu nó sẽ giúp cho chúng ta có thể thay đổi, cải thiện để có được tình hình tài chính lành mạnh hơn, tích cực hơn.
Tài chính cá nhân nhìn một cách đơn giản nhất chỉ có:
- Thu: tạo và quản lý Nguồn thu;
Trong cuộc sống, thực tế có thể không có nguồn thu, ví dụ khi thất nghiệp, không có việc làm. Điều này có nghĩa là tài chính cá nhân không có nguồn thu.
- Chi: Kiểm soát các khoản chi phí.
Không giống như Thu (có thể không có nguồn thu), trong cuộc sống, không thể không có chi phí. Điều này là vì bắt buộc phải chi phí cho các khoản thiết yếu để tồn tại như ăn uống sinh hoạt hàng ngày, chi phí học hành…)
Các trường hợp có thể gặp phải khi quản lý tài chính cá nhân.
6 trường hợp của tình hình tài chính cá nhân.
Nhìn thì thật đơn giản vì chỉ có Thu và Chi, nhưng thực sự lại không đơn giản như vậy. Phụ thuộc rất lớn vào cách quản lý của chính chúng ta mà có thể sẽ rơi vào một trong các trường hợp sau:
Các trường hợp được sắp xếp từ tiêu cực đến tích cực. Chỉ đưa ra một số trường hợp điển hình.
(i) Nguồn thu không có (Thu = 0) nhưng không thể không chi
(ii) Nguồn thu < Chi phí
(iii) Nguồn thu = Chi phí
(iv) [Nguồn thu > Chi phí ] và [(Tích lũy = Nguồn thu – Chi phí) nhỏ]
(v) [Nguồn thu > Chi phí] và [(Tích lũy = Nguồn thu – Chi phí) trung bình]
(vi) [Nguồn thu > Chi phí] và [(Tích lũy = Nguồn thu – Chi phí) từ lớn đến rất lớn]
Tình trạng bi đát, tình trạng hòa vốn của tài chính cá nhân
Nhìn vào các trường hợp trên, ta có thể thấy Trường hợp (iii) giống như là trường hợp của Điểm hòa vốn trong quản lý tài chính doanh nghiệp. Phía trước trường hợp (iii) là trường hợp (i) và trường hợp (ii), đây là các trường hợp thực sự có thể nói là bi đát về tài chính của cá nhân hay tài chính gia đình, còn gì khổ bằng khi chúng ta không có thu nhập trong khi bắt buộc phải chi phí cho cuộc sống ngày, nào là tiền ăn uống, tiền điện nước, tiền điện thoại, tiền xăng xe, tiền học hành, tiền thuốc men những lúc ốm đau, … hoặc có nguồn thu nhưng lại không đủ bù đắp cho chi phí (kiểu như làm ra được 5 triệu đồng nhưng chi phí lại đến 10 triệu đồng).
Còn gì chua xót khi con cái muốn chơi một trò chơi, muốn mua một món quà hay đơn giản là thèm ăn một cái bánh, nó nhìn bạn bè ăn với ánh mắt thèm thuồng mà trong túi cha mẹ nó lại chẳng có tiền để mua, còn gì đau xót khi khi đấng sinh thành của mình ngày càng già yếu mà mình lại chẳng có tiền để phụng dưỡng (trong khi ngày xưa chính các cụ là những người chăm lo, nuôi nấng mình lớn khôn, giống như bây giờ mình đang chăm lo cho con cái mình vậy).
Xác định và mong muốn
Chúng ta đang ở trường hợp nào? Nếu ở trong trường hợp bi đát, liệu chúng ta có cam chịu để ở mãi trường hợp bi đát? Và quan trọng là chúng ta có cam chịu để ở mãi trong trường hợp hiện tại mà không làm mọi cách (chính đáng) để đạt và vươn lên những trường hợp tích cực hơn?
Còn mong muốn, tất nhiên chúng ta mong muốn ở những trường hợp tích cực. Trường hợp (v) hoặc tốt nhất là trường hợp (vi) được mong muốn, nên là mục tiêu để phấn đấu.
Vậy làm sao để vượt qua trường hợp hiện tại để đạt đến những trường hợp tích cực hơn? Rất đơn giản, đó là chỉ tập trung vào hai yếu tố chính, đó là Nguồn thu và Chi phí.
Nguồn thu: phải tìm mọi cách (chính đáng) để tối đa, đa dạng các nguồn thu.
Chi phí:
Thứ nhất, nên cắt giảm các chi phí không thiết yếu, đặc biệt là các chi phí không thiết yếu mà nguồn thu hiện nay chưa đáp ứng được (ví dụ đi ăn uống nhà hàng, mỹ phẩm cao cấp, đồ dùng xa xỉ mà theo thời gian sẽ không gia tăng giá trị,…), các chi phí mà nếu dùng nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe (như thuốc lá, nhậu nhẹt không cần thiết…), chi phí lãi vay của các khoản tiêu dùng (không tạo ra mức giá trị tích lũy gia tăng trong tương lai)…
Thứ hai, đối với các khoản chi phí mang tính đầu tư, tạo ra mức giá trị tích lũy gia tăng trong tương lai mà tài chính có thể kham nổi thì nên duy trì (ví dụ, đầu tư vào tài sản mà theo thời gian, dự kiến giá trị sẽ gia tăng bình quân khoảng > 12%/ năm, trong khi chi phí lãi suất vay để đầu tư lại thấp hơn, ví dụ chỉ khoảng 9,5%/ năm).
Cắt giảm chi phí có thể dễ để nhận ra và thực hiện. Hành động này có thể làm sau khi rà soát các khoản chi phí của cá nhân, gia đình.
Còn để tối đa, đa dạng các nguồn thu là vấn đề bắt đầu có sự không đơn giản. Điều này sẽ được đề cập trong các bài viết tiếp theo. Nhưng không gì là không thể để thay đổi cho tốt lên. Làm giàu chẳng bao giờ là dễ, nhưng không phải là điều không thể làm được. Hãy có niềm tin trong công việc và cuộc sống.